Bão số 4 được dự báo không quá mạnh, khi vào bờ ở cấp 8 giật cấp 10. Tuy nhiên sẽ gây mưa rất lớn tập trung ở Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, không loại trừ tương tự như đợt mưa gây ra trận lụt tồi tệ diễn ra tại khu vực này năm 2020.
Chiều 18.9, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp đã chủ trì họp ứng phó với áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão. Cuộc họp trực tuyến tới các tỉnh, thành phố ven biển từ Ninh Bình đến Bình Định.
Theo báo cáo của Cục Quản lý đê điều và phòng chống thiên tai (Bộ NN-PTNT), áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) hình thành trên vùng biển phía đông Philippines sáng 16.9, hôm qua đã vào Biển Đông với cường độ cấp 7, giật cấp 9.Khoảng 10 giờ sáng nay 18.9, vị trí tâm ATNĐ ở vào khoảng 16,7 độ vĩ bắc, 113,5 độ kinh đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 180 km về phía đông với cường độ cấp 7, giật cấp 9.
Dự báo đến 10 giờ ngày 19.9, ATNĐ sẽ mạnh lên thành bão với cường độ cấp 8, giật cấp 10, tâm bão trên vùng biển ven bờ từ Quảng Trị - Quảng Nam, cách Quảng Trị khoảng 110 km về phía đông đông nam.
Chiều 19.9, bão đi vào đất liền Quảng Trị - Quảng Nam, sau đó suy yếu.
Mực nước triều vào thời gian dự kiến bão đổ bộ, từ 17 giờ ngày 19.9 đến 7 giờ ngày 20.9 như sau: Cửa Gianh (Quảng Bình) từ 0,7 - 1,8m, Cửa Việt (Quảng Trị) từ 0,7 - 1,4m; Đà Nẵng từ 0,7 - 1,3m
Dự báo mưa to đến rất to tại Trung bộ và Tây nguyên
Từ 19 giờ ngày 17.9 đến 12 giờ ngày 18.9, Trung bộ và Tây nguyên đã có mưa to đến rất to từ 50 - 150 mm, riêng Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng mưa 150 - 250 mm; một số trạm lớn hơn như: Bạch Mã (Thừa Thiên - Huế) 237 mm, Suối Đá (Đà Nẵng) 279 mm, Suối Lương (Đà Nẵng) 254 mm.
Dự báo từ ngày 18 - 19.9, từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi có mưa to đến rất to từ 100 - 300 mm, có nơi trên 500 mm; Thanh Hóa, Nghệ An từ 70 - 150 mm, có nơi trên 250 mm; Tây Nguyên từ 40 - 80 mm, có nơi trên 150 mm.
Về lũ, từ ngày 18 - 21.9, các sông từ Thanh Hóa đến Quảng Nam xuất hiện 1 đợt lũ, biên độ lũ lên trên các sông từ 3 - 7 m.
Đỉnh lũ thượng nguồn sông Mã, sông Bưởi (Thanh Hóa), thượng lưu sông Cả (Nghệ An) lên mức báo động (BĐ)1 - BĐ2 và trên BĐ2.
→ Gió giật liên hồi, ngư dân Đà Nẵng hối hả chạy đua với bão số 4
Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão (bão số 4) khu vực Đà Nẵng đang có mưa to, khu vực ven biển gió bắt đầu lớn từng hồi. Để bảo vệ tài sản, ngư dân Đà Nẵng dầm mình trong mưa, gió để neo đậu, đưa tàu thuyền vào nơi an toàn. Ảnh: Nguyễn Thành |
Theo dự báo của cơ quan khí tượng thủy văn, bão số 4 sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến Đà Nẵng. Với kinh nghiệm chống bão nhiều năm, các ngư dân luôn nâng cao cảnh giác để phòng, tránh thiệt hại tàu thuyền và tài sản khi neo đậu một cách cẩn thận. Ảnh: Nguyễn Thành. |
Nhiều thuyền gắn máy neo đậu tại âu thuyền Thọ Quang (quận Sơn Trà) sáng nay 18/9 đã bị vào nước do mưa quá lớn, nguy cơ chìm nên người dân gọi nhau cùng tát nước để kéo thuyền lên bờ. |
Hàng trăm tàu thuyền trong khu vực đã về neo đậu tại âu thuyền Thọ Quang |
Các phương tiện đang hoạt động trên biển đã nắm được diễn biến, hướng di chuyển của áp thấp nhiệt đới, bão số 4. Hiện nay các đơn vị, các đài trực canh của BĐBP Đà Nẵng đang duy trì thông tin, liên lạc với các phương tiện hoạt động trên biển, thông báo kêu gọi, hướng dẫn vòng tránh không đi vào khu vực nguy hiểm hoặc vào bờ để trú tránh an toàn. |
Ngư dân thu gom ngư lưới cụ trên biển Mân Thái vào trưa nay 18/9. |
Một ngư dân tranh thủ tát nước trong ghe tại âu thuyền Thọ Quang để kéo lên bờ, tránh bị chìm trong mưa, bão. |
Các ngư dân Đà Nẵng neo đậu tàu thuyền trú tránh bão tại âu thuyền Thọ Quang. Ảnh: Nguyễn Thành. |
Ngư cụ đánh bắt gần bờ được ngư dân thu gom đưa vào đất liền tránh thiệt hại do mưa bão. |
Những chiếc thuyền thúng cuối cùng được ngư dân gánh lên bờ tại bãi biển Mân Thái (quận Sơn Trà, TP. Đà Nẵng) trước giờ bão đổ bộ. |